Mỗi năm, đến Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, có không ít KTS lại tự cật vấn mình nhiều điều, nhiều việc, có tên lẫn không tên. Ngày Kiến trúc Việt Nam là một mốc thời gian của một năm để nhắc nhở mọi người trong xã hội, trong lẫn ngoài nghề kiến trúc, đồng thanh tôn vinh, tri ân, khơi gợi lòng tự hào đối với người và việc kiến trúc. Ngày đó, một thành viên quan trọng là giới KTS, vừa là đối tượng được vinh danh, vừa là những người chịu trách nhiệm trong việc nhìn nhận những được mất mà giới mình đóng góp và chịu trách nhiệm về những tồn tại không nên có.
Ngày 27/4, ngày Bác Hồ nhắc nhở giới KTS về vai trò và trách nhiệm lớn của họ đối với xã hội – được lấy làm Ngày Kiến trúc Việt Nam hàng năm. Những hoạt động, sự kiện được tổ chức khắp cả nước nhắc mọi người nhiều điều. Nhưng điều quan trọng nhất không phải lúc nào cũng có – Đó là giới KTS, giới chịu trách nhiệm trực tiếp bộ mặt kiến trúc có thực sự sống trong sự kiện đó hay không? Nghĩa là, có tự hào thực sự, vui thực sự về những thành quả kiến trúc? Thực sự có trăn trở về trách nhiệm của giới mình với những sản phẩm yếu kém, xa rời quyền lợi công chúng? Dù giới KTS không một mình chịu trách nhiệm về những tồn tại kiến trúc trong xã hội, về những yếu kém, phản tiến bộ còn đâu đó. Kiến trúc – với danh nghĩa đã xuất hiện trước khi có danh hiệu KTS, trước khi có những quy chế quy định quản lý kiến trúc – sẽ là chuẩn mực cuối cùng, soi tỏ các phần trách nhiệm phải trả lời trước lợi ích cộng đồng của người làm kiến trúc.
Tác phẩm kiến trúc
Mỗi kiến trúc sư hành nghề đều có mơ ước chính đáng về một ngày nào đó tên mình đứng dưới tên một tác phẩm kiến trúc được vinh danh. Nhưng hàng ngàn, hàng vạn KTS miệt mài đi tìm tác phẩm kiến trúc đó cũng có trăm ngàn thái độ khác nhau. Loại bỏ những phương cách không chính đáng, mang dáng dấp các kiểu “áp phe” trục lợi, lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, ngay với sự chân thành trong làm nghề KTS cũng có không ít sai lầm, thất bại. Nguyên nhân thật sự đầu tiên có thể kể đến là sự thiếu khiêm tốn – Nếu dấu ấn cá nhân tác giả là yếu tố chủ đạo của mọi tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc… thì dấu ấn của KTS lại cần kìm nén trong nghệ thuật ứng xử và văn hóa ứng xử. Ứng xử với điều kiện và tác động tự nhiên, như địa lý, khí hậu, tài chính, kỹ thuật xây dựng. Ứng xử với nhiều bên có quan điểm và quyền lợi đối kháng trong quá trình hình thành tác phẩm (chủ đầu tư, người sử dụng, quy định quản lý, tập quán địa phương…). Bản lĩnh của người KTS chính là nghệ thuật ứng xử để đáp ứng, dung hòa trong tác phẩm mà không đánh mất mình.
Nói gọn lại, mọi phong cách, trường phái kiến trúc chỉ là thủ pháp mang ấn tượng riêng, không bao giờ có thể áp dụng cực đoan cho mọi loại công trình. Giá trị đặc thù duy nhất cho mỗi tác phẩm kiến trúc chính là “kiến trúc ứng xử”. Kiến trúc ứng xử không phải đi tìm sự thỏa hiệp chung chung mà tìm sự hài hòa hợp lý cho cái riêng của tác phẩm. Cũng giống như tính cách mỗi một con người trên thế giới này, là kết quả sự dung hòa tổng thể của cá nhân với môi trường sống, là duy nhất.
Tác phẩm kiến trúc có hàm lượng ứng xử tốt thể hiện sự phù hợp cao nhất ở nơi chốn nó đã được “mọc lên”, thì tính tác phẩm sẽ càng được khẳng định, càng lớn.
Thầy tổ kiến trúc sư – ông là ai?
Mọi sinh vật đều có bản năng hình thành nơi trú ẩn của giống loài: Hang, ổ, tổ… Kiến trúc có từ bản năng làm tổ của “sinh vật Người”. Hoạt động kiến trúc có trước các danh vị KTS nên tìm đâu ra Ông Tổ để thờ như các ngành nghề khác? Thực ra, ngoài những nghề làm ra sản phẩm cụ thể có niên đại rõ ràng thì còn biết nguồn gốc nơi làm, người làm, dòng họ làm. Con cháu hay học trò nhiều đời sau thờ kính bậc sáng lập là cách biểu lộ lòng tri ân một con người cụ thể gọi là “Ông Tổ”. Còn phần lớn “Thầy Tổ” mang tính biểu trưng. Đó là biểu trưng cho lòng tự hào và đạo đức nghề nghiệp cao quý. Và nghi thức “cúng Tổ” là một nhắc nhở cho các lớp làm nghề hậu thế về lòng tri ân, về lòng tự hào và đạo đức nghề nghiệp. Và nghi thức “cúng Tổ” hàng năm mang nhiều tính lễ nghi truyền thống. Sự kiện truyền thống hàng năm này là dịp để tôn vinh nghề nghiệp, để mỗi cá nhân làm nghề tự nhắc nhở mình về sự khiêm tốn, ý thức trau dồi kỹ năng, giữ đạo đức ứng xử để không làm điều gì có hại đến thanh danh của sản phẩm, của nghiệp nghề.
Ở mỗi sự kiện “Ngày cúng Tổ” như thế, tất cả học trò hậu thế đều đặt mình dưới một uy lực cao cả đại diện cho những điều tốt đẹp nhất của nghề nghiệp. Ít nhất trong thời khắc đó, mỗi người đều cảm nhận mình là những hậu bối bình đẳng trước đấng “Thầy Tổ” chung, đủ “sạch” trước những mẫu mực, đạo đức đã cam kết với nghề. Thậm chí nhiều người làm nghề đạt sự thành công lớn còn khiêm nhường cho rằng được “Tổ đãi”, để nhắc nhở mình không tự cao tự đại. Sự kiện 27/4 – Ngày Kiến trúc Việt Nam, giới KTS nên chăng cần thêm nội dung hoạt
động văn hóa tâm linh của “Ngày tri ân Thầy Tổ” hàng năm?
KTS. Nguyễn Văn Tất